Sửa Nghị định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

21/07/2023

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, thay thế Nghị định 43/2018.

Tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định mới là bổ sung nguyên tắc quan trọng trong quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Dự thảo Nghị định mới làm rõ việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải như tài sản được đầu tư từ ngân sách địa phương, tài sản hình thành từ vốn Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, việc này nhằm làm rõ việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác với một số loại tài sản, bao gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được đầu tư từ ngân sách Nhà nước của địa phương; tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được hình thành từ dự án sử dụng vốn Nhà nước, được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý; Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải do đối tượng khác (thuộc các bộ, ngành khác ngoài Bộ GTVT đầu tư xây dựng) quản lý; Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là tài sản bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật về hàng hải hiện hành.

Cụ thể, tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, được thực hiện chế độ tính hao mòn, khấu hao tài sản và bảo trì công trình theo quy định.

Rõ nguyên tắc khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải

Một trong những nguyên tắc quan trọng được bổ sung là việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải theo phương thức cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản (hoặc phương thức khác theo quy định) sẽ được thực hiện với toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

Nếu khai thác một phần của từng tài sản, phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại.

Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng theo dự án có sử dụng vốn đầu tư công, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về hàng hải, pháp luật khác có liên quan.

Khi chủ đầu tư dự án không phải là đối tượng được giao quản lý tài sản, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo đối tượng được giao quản lý tài sản tạm bàn giao tài sản cho chủ đầu tư dự án trong thời gian thực hiện đầu tư.

Trong thời gian này, đối tượng được giao quản lý tài sản có trách nhiệm quản lý, kế toán tài sản. Chủ đầu tư dự án chủ trì, phối hợp với đối tượng được giao quản lý tài sản quản lý vận hành tài sản trong thời gian thực hiện đầu tư, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đặc biệt, chi phí quản lý vận hành tài sản trong thời gian thực hiện đầu tư do chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm.

Sau khi dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại tài sản cho đối tượng được giao quản lý tài sản để thực hiện việc quản lý.

Nếu chủ đầu tư dự án là đối tượng được giao quản lý tài sản sẽ phải có trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian thực hiện đầu tư. Sau khi dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật khác có liên quan.

Đặc biệt, việc thực hiện khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định tại Nghị định này không được làm ảnh hưởng đến kết cấu kỹ thuật, khả năng khai thác và an toàn của tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan.

Báo Giao thông